Sắp tới thời hạn bàn giao nhà (12/2013), tuy nhiên, dự án chung cư Ngoại giao Đoàn (Xuân Đỉnh, Hà Nội) đến nay vẫn “đắp chiếu”.
Sắp đến hạn bàn giao, chung cư Ngoại giao Đoàn vẫn “đắp chiếu”
Bỏ ra số tiền gần 2 tỷ đồng từ năm 2011 để mua căn hộ tại tòa N03T1 - Chung cư Ngoại giao Đoàn (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm TP. Hà Nội), tuy nhiên, sau gần 2 năm chờ đợi, đến nay, anh Nguyễn Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía nhà đầu tư về thời gian bàn giao căn hộ.
“Tôi cảm thấy sốt ruột bởi bỏ ra một số tiền lớn từ cách đây 2 năm nhưng đến nay, căn hộ của tôi vẫn chưa thành hình, dự án đó vẫn ngổn ngang trên đống sắt vụn, không hề có hoạt động xúc tiến thi công. Chủ đầu tư thì “lặn mất tăm”, không có thông báo về tiến độ cũng như lý do chậm tiến độ và thời gian chính xác bàn giao nhà, dù trong hợp đồng quy định rõ điều này” – anh Nguyễn Kiên bức xúc.
Để có được quyền mua căn hộ, anh Kiên đã phải trả 27 triệu đồng/m2 (mỗi m2 mất tiền "chênh" là 15,5 triệu đồng).
Hợp đồng mua bán của anh với chủ đầu tư – công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp – đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, chính thức được ký vào 27/11/2011. Hiện tại, khách hàng Kiên đã đóng 40% tổng giá trị hợp đồng theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Theo điều 8.1 của hợp đồng mua bán giữa 2 bên, công ty Thi công Cơ giới Xây lắp sẽ phải bàn giao nhà cho bên mua thời gian dự kiến trước ngày 31/12/2013.
|
Như vậy, chỉ còn vẻn vẹn 2 tháng nữa là đến hạn giao nhà, tuy nhiên, hiện trạng khu căn hộ tòa N03T1 hiện nay vẫn rất ngổn ngang, mới chỉ xây xong tầng hầm và thi công tới tầng 1.
“Tôi mong muốn chủ đầu tư có một lời giải thích rõ ràng và cam kết chắc chắn về tiến độ triển khai dự án, khẳng định với chúng tôi xem, dự án sẽ chậm tới bao giờ và công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp có ý định đầu tư tiếp hay không, hay bán cho người khác?” – khách hàng Nguyễn Trung Kiên mong mỏi.
Đồng cảnh ngộ với anh Kiên, anh Lê Tuấn (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cũng chấp nhận mua nhà giá cao với mong muốn sớm sở hữu ngôi nhà phục vụ nhu cầu ăn, ở của gia đình, nhưng giấc mơ ấy lại bị phá sản do chủ đầu tư thất hứa về tiến độ thi công.
Kể từ khi anh Tuấn ký hợp đồng góp vốn với sàn giao dịch bất động sản và sau đó là ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, đến đầu năm 2011, anh đã nộp 45% giá trị hợp đồng tương đương khoảng 800 triệu đồng. Mặc dù nhiều lần liên tục gọi điện thúc giục chủ đầu tư, tuy nhiên, khách hàng chỉ nhận được những lời “hứa suông”.
“Tôi đã gọi điện lên chủ đầu tư ít nhất 4 lần, 2 lần đầu vào lúc chủ đầu tư mới vừa làm xong phần móng, họ hứa hẹn “Sắp làm rồi, yên tâm đi”. Nhưng sau đó, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, tôi có điện thoại thêm 2 lần nữa, lần gần nhất là cách đây 3 tháng, công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp thừa nhận: Hiện tại họ rất khó khăn. 70% doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam rơi vào bế tắc và họ cũng là 1 trong số đó khi chưa tìm được nguồn lực tạm thời để xây tiếp” – anh Tuấn tâm sự.
Anh Tuấn cho biết: Chiều chiều, anh thường đi tập thể dục qua khu chung cư Ngoại giao Đoàn, nhìn dự án “đắp chiếu”, lòng rất xót xa. “Trước đây, tôi hay nói chuyện với bác bảo vệ. Ngày trước, khu N03T1 này còn chồng chất mấy đống cốp pha nhưng giờ đã chuyển đi hết rồi. Chủ đầu tư cũng không hứa hẹn khi nào xây tiếp nên chúng tôi rất lo lắng và thất vọng” – anh Tuấn nói.
Chủ đầu tư dửng dưng?
Bức xúc trước thái độ thiếu tôn trọng khách hàng của công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp, anh Tuấn đã lập một fanpage trên mạng xã hội với tên gọi “Hội những người mua chung cư ngoại giao Đoàn” với hi vọng tập hợp được nhiều khách hàng cùng cảnh ngộ để đứng lên đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Còn vẻn vẹn 2 tháng nữa tới hạn bàn giao nhà nhưng tòa N03T1 - Chung cư Ngoại giao Đoàn mới chỉ xây tới tầng 1.
|
Trao đổi với chúng tôi, chị Hằng, một thành viên của fanpage - khách mua tại tòa N03T1 đã đóng 45% giá trị hợp đồng cũng chia sẻ: “Đa số người mua đều mua với mục đích để ở, vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn chủ đầu tư có động thái tích cực thể hiện thành ý của mình. Chủ đầu tư có thể ngồi lại với các khách hàng, bàn bạn về phương án giải quyết tốt nhất để công trình đảm bảo đúng tiến độ hoặc nếu không đúng tiến độ thì có cách tháo gỡ hợp lý nhất”.
Chị Hằng cho biết: Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp là đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, là một công ty của nhà nước, không phải công ty tư nhân làm ăn chộp giật.
Hơn nữa, “theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước tới nay, chủ đầu tư này cũng chưa hề có tiếng xấu nào trên thị trường bất động sản, lại là đơn vị có tiềm lực về tài chính, có uy tín. Ngoài ra, chung cư ngoại giao Đoàn cũng không phải là dự án đầu tiên của công ty này. Chính vì lý do đó mà chúng tôi đã tin tưởng để bỏ tiền ra mua căn hộ này” – Chị Hằng bày tỏ.
Có thể nói, kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, việc các dự án bất động sản ngưng trệ, ngừng thi công khiến khách hàng bức xúc không còn là chuyện quá xa lạ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phía chủ đầu tư cần phải có những động thái tích cực để làm hài lòng khách hàng đồng thời giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của người mua.
Trong khi đó, báo chí đã không ít lần liên lạc với chủ đầu tư – công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp, tuy nhiên, không nhận được phản hồi.
Chúng tôi đã điện thoại để hẹn lịch gặp trực tiếp đại diện của công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp nhưng nhân viên văn phòng cho biết: Lãnh đạo công ty đi vắng, “sẽ thông tin lại ngay trong ngày”, nhưng sau đó lại “bặt vô âm tín”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét